Bội thu lứa cà phê tái canh của Dự án VnSAT
top of page

Bội thu lứa cà phê tái canh của Dự án VnSAT

Nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT trong việc áp dụng giống chất lượng cao, quy trình chuẩn vào tái canh, người dân Lâm Đồng thu hoạch vụ cà mùa bội thu.

"Trẻ hóa" cà phê, năng suất tăng gấp đôi

Gia đình ông Trịnh Văn Kỳ ở thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) là một trong những hộ dân có diện tích cà phê lớn của xã với khoảng trên 4ha. Lứa cà phê đầu tiên được gia đình ông trồng từ năm 1998 và sau hàng chục năm, cây già cỗi, kém năng suất nên buộc gia đình hướng đến cải tạo, tái canh. Ông thổ lộ, cây trên vườn bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất, chất lượng kém nên việc đầu tư không mang lại lợi nhuận. Chính vì thế, gia đình đã thực hiện hình thức ghép cải tạo và tái canh nhằm làm trẻ hóa cây.

Năm 2018, gia đình ông Trịnh Văn Kỳ (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) được Dự án VnSAT hỗ trợ tái canh 0,7ha cà phê. Đến nay, cây phát triển mạnh, cho năng suất vượt trội. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2018, khi gia đình đang chật vật về nguồn vốn tái canh thì được Dự án VnSAT hỗ trợ. Theo đó, Dự án đã hỗ trợ gia đình ông Kỳ về cây giống, kỹ thuật và một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông nói: "Lúc bấy giờ, giá cà phê sụt giảm nên việc chủ động vốn để cải tạo vườn là điều vô cùng khó khăn. Đang bế tắc thì may mắn gia đình được sự hỗ trợ của Dự án". Khi có vốn, gia đình ông đã cắt bỏ 0,7ha cà phê già cỗi trồng đầu tiên năm xưa để chuyển qua tái canh giống mới là giống xanh lùn. Hiện nay, lứa giống cà phê xanh lùn tái canh năm 2018 của gia đình ông Trịnh Văn Kỳ đã bước sang năm thứ 4 và có sự phát triển vượt trội. Toàn bộ cây trên vườn đều đạt độ cao khoảng 1,5 - 2m với cành và tán rộng, cho trái nhiều. "Vừa qua, cây trên vườn cho thu hoạch chính vụ với năng suất cao hơn hẳn cà phê cũ nhiều lần. Với 0,7ha xanh lùn, gia đình chúng tôi thu về 6 tấn nhân. Đây là mức năng suất cao gấp đôi so với lứa cà cũ trước đây", ông Kỳ phấn khởi. Cũng theo ông Kỳ, vụ vừa rồi, tổng hợp 0,7ha cà phê tái canh với 3,3ha cà cũ, gia đình ông thu về gần 20 tấn nhân. Tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng), gia đình bà Nguyễn Thị Minh cũng có vừa có vụ bội thu từ lứa cà phê tái canh năm 2018. Bà Minh chia sẻ, gia đình bà có khoảng 1,5ha cà phê được trồng từ năm 1994. Đến năm 2017, cây trên vườn trở nên già cỗi, năng suất, sản lượng kém nên đến năm 2018, gia đình bắt đầu thực hiện chương trình tái canh.

Tại Lâm Đồng, các mô hình cà phê tái canh do Dự án VnSAT hỗ trợ có sự phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Đăng Lâm.

"Lúc đó Dự án VnSAT có chương trình hỗ trợ nên gia đình đã hủy bỏ 0,5ha cà phê cũ để chuyển sang trồng giống mới. Thời điểm đó, giá cà xuống thấp nên khi nhận được sự hỗ trợ về cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… gia đình rất vui", bà Minh chia sẻ. Cũng theo bà Minh, trong lứa tái canh 0,5ha này, gia đình bà trồng xen dâu để lấy lá nuôi tằm, tạo thêm thu nhập. Nữ nông dân chia sẻ, vụ cà phê năm 2020, lứa cà phê tái canh cho thu bói và đến cuối năm 2021 vừa rồi bắt đầu thu hoạch kinh doanh. "Cà phê cho trái nhiều và đều nên mùa vụ rồi chúng tôi thu về khoảng 4 tấn nhân. Lứa tái canh cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nên gia đình chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư, tái canh diện tích còn lại", bà Minh cho biết. Tại thôn Hoàn Kiếm 3 (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình anh Phạm Anh Tuấn đang tập trung tưới nước để đảm bảo cho lứa cà phê tái canh năm thứ 4 ra hoa đều, đậu quả cao cho mùa vụ 2022. Theo anh Tuấn, năm 2019, gia đình nhận được sự hỗ trợ của Dự án VnSAT tái canh 1ha cà phê và đến nay vườn cây bắt đầu cho thu hoạch. Vụ thu hoạch năm 2021 vừa qua, với 1ha lứa tái canh, gia đình anh Tuấn thu về 28 tấn cà phê tươi, tương đương 7 tấn cà phê nhân. Ông Nguyễn Công Phóng, thôn Lộc Châu 4, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, gia đình ông được Dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện mô hình cà phê bền vững. Năm 2019, dù không được dự án hỗ trợ tái canh nhưng nhận thấy các mô hình tái canh theo quy chuẩn VnSAT đạt hiệu quả cao nên gia đình ông đầu tư để tái canh 0,4ha. Sau 3 năm, lứa cà phê tái canh phát triển mạnh, ít sâu bệnh, mùa vụ 2021 vừa qua cho thu hoạch với năng suất 4kg nhân/gốc. Theo ông Phóng, gia đình có tổng cộng 3ha cà phê và lứa đầu tiên được ông trồng vào năm 1998. Trước hiệu quả mang lại, gia đình ông Phóng dự kiến tái canh thêm 0,3ha cà phê trong thời gian tới. "Hồi sinh" cà phê già cỗi nhờ quy trình chuẩn Nhìn cà phê bung nở hoa trắng muốt trên cành, anh Phạm Anh Tuấn (thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà) thổ lộ, nhờ quy trình tái canh mới của Dự án VnSAT mà cà phê phát triển rất nhanh, đồng đều. Khác với cách làm truyền thống, cách làm theo kỹ thuật của Dự án VnSAT khoa học hơn nên tỉ lệ cây giống đặt xuống vườn ít bị chết và ít bị sâu, bệnh hại hơn.

Dự án VnSAT chuyển giao cho người dân các giống cà phê chất lượng cao để tái canh nên cây phát triển mạnh và đồng đều, kháng bệnh tốt. Ảnh: Minh Hậu.

"Hồi đó, cán bộ Dự án hướng dẫn chúng tôi chặt bỏ cây cũ, đào sạch rễ, sau đó xới đất, bỏ đất hoang khoảng 6 tháng. Trong thời gian đó, phải thực hiện các biện pháp xử lý, loại bỏ các mầm bệnh để đảm bảo đất sạch mới được xuống giống", anh Tuấn nói và cho biết thêm, cách làm truyền thống thì thường chặt bỏ cây, đào gốc và sau đó một thời gian thì đào hố để đặt giống mới. Cách làm này sau đó xuất hiện các vấn đề như tỉ lệ cây giống chết, cây bị bệnh rất cao, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh về sau. Ông Trịnh Văn Kỳ (thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà) cũng cho biết, cách làm truyền thống chủ yếu theo hình thức "tay quen", không phân tích được mầm bệnh trong đất nên khi đặt cây giống xuống, tỉ lệ nhiễm bệnh rất cao. Đặc biệt, có những lứa phát triển 2 - 3 năm mới xuất hiện mầm bệnh và chết nên người dân phải trồng đi trồng lại khiến vườn cây không có được sự phát triển đồng đều. Điều này dẫn đến việc thu hoạch cũng thất thường. Theo ông Kỳ, lứa cà phê tái canh của gia đình ông được thực hiện bài bản từ khâu cải tạo đất đến chọn giống và quy trình chăm sóc, tạo cành. Nguồn giống mà Dự án VnSAT chuyển giao cho gia đình thực hiện tái canh là giống chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt. Cùng với việc chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ sau 3 năm, toàn bộ cây trên vườn đã cho thu hoạch ổn định.

Vụ thu hoạch năm 2021, với 1ha lứa tái canh, gia đình anh Phạm Anh Tuấn thu về 28 tấn cà phê tươi, tương đương 7 tấn cà phê nhân. Ảnh: Đăng Lâm.

"Gia đình tôi có tổng cộng 4ha cà phê. Sau lứa tái canh 0,7ha này, gia đình sẽ tiếp tục thực hiện tái canh số còn lại để nâng cao năng suất. Dù dự án VnSAT ngưng hỗ trợ, gia đình cũng tập trung đầu tư để thực hiện mô hình theo đúng quy trình của Dự án. Đó là cách làm hiệu quả nhất, mang lại nguồn thu cao nhất cho gia đình", ông Trịnh Văn Kỳ nói. Theo bà Nguyễn Thị Minh (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) gia đình bà nhận nguồn cây giống chất lượng cao từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) nên cây phát triển rất mạnh. Tỉ lệ cây sống trong đợt tái canh khoảng 96%, cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. "Vườn tái canh cho hiệu quả cao nên những người dân trong vùng cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Hơn nữa, cách tạo cành, tạo tán và dưỡng cây theo quy trình VnSAT cũng khoa học hơn so với cách làm thông thường nên cây cho năng suất rất cao", bà Nguyễn Thị Minh cho biết. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 174.142ha cà phê, năng suất bình quân 31,9 tạ/ha, sản lượng 516.603 tấn. Giai đoạn 2013 - 2020, diện tích tái canh, ghép cải tạo toàn tỉnh là 70.005ha, trong đó trồng tái canh 30.643ha, ghép cải tạo 38.104ha, trồng mới 1.258ha. Chương trình cho vay tái canh cà phê giai đoạn 2013 - 2017 từ nguồn vốn trên 3.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã giải ngân 950 tỷ đồng/5.515 khách hàng thực hiện tái canh, cải tạo 9.005ha cà phê. Thủ tục vay tái canh chặt chẽ, nhiều quy định hơn so với cho vay thông thường nên doanh số cho vay cũng không đạt như kỳ vọng.

Minh Hậu - Đăng Lâm

MÔ HÌNH PGP

bottom of page