Phá rào cản đưa vải thiều Bắc Giang sang Mỹ
top of page

Phá rào cản đưa vải thiều Bắc Giang sang Mỹ

Dù còn rào cản nhưng tỉnh Bắc Giang và các bộ, ngành liên quan đều lạc quan về khả năng quả vải thiều có thể chinh phục được thị trường Mỹ trong niên vụ 2022.


Năm 2022, Bắc Giang kỳ vọng xuất khẩu được 1.600 tấn vải thiều đi thị trường Mỹ, EU. Ảnh: Tùng Đinh.


Ngày 29/3, Hội nghị trực tuyến Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ năm 2022 diễn ra với các đầu cầu ở Việt Nam và Mỹ. Phấn đấu 1.600 tấn vải đi Mỹ, EU "Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến trên 160.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng trên 50.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn). Trong đó: vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số IRADS), diện tích là 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn”, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin. Theo ông Tuấn, năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo vải thiều Bắc Giang với hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: “Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” tiếp tục là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng tại thị trường khó tính trên thế giới. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022. Đối với thị trường xuất khẩu, ông Tuấn cho biết Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng. Tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các Sàn thương điện tử: Amazon.com, Alibaba.com, Sendo.vn, Postmart.vn, Voso.vn...; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, Zalo. Trong đó, Bắc Giang xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp cả ở Việt Nam lẫn Mỹ đều nhìn nhận còn nhiều rào cản đối với quả vải khi muốn chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhìn nhận rõ rào cản, thách thức Đánh giá về thị trường Mỹ, ông Phan Thế Tuấn cho rằng tỉnh xác định đây là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn song cũng khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Chung nhận định với ông Tuấn, từ đầu cầu Washington D.C, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hoàng Thị Thanh Nga cho biết, để xuất khẩu được các nông sản của Bắc Giang, trong đó có vải thiều sang thị trường Mỹ cần có sự tìm hiểu rõ về quy trình sản xuất, vận chuyển để khi đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn và có được chất lượng tốt nhất. Theo bà Nga, đây là vấn đề lớn nhất hiện nay vì khó khăn trong khâu vận chuyển, vẫn đang dùng đường hàng không. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho rằng, hội thảo sáng 29/3 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vận tải trao đổi, cùng tỉnh Bắc Giang và người nông dân tìm ra phương án xuất khẩu tốt nhất cho các nông sản của tỉnh sang thị trường Mỹ. Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) cho biết, để đưa vải thiều sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp đưa ra quy trình 6 bước. Mặc dù vậy, vải thiều khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang gặp phải một số khó khăn như: Vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao, vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian (30-35 ngày) gây áp lực cho công nghệ bảo quản...

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc cho rằng tỉnh Bắc Giang cùng các doanh nghiệp và người dân cần chạy đua với thời gian bởi từ nay đến vụ thu hoạch vải không còn dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam nói vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường thực sự rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Mỹ còn có một số rào cản, khó khăn. Ví dụ như phải vận chuyển từ 2 đến 3 ngày vào miền Nam mới có cơ sở đủ điều kiện chiếu xạ rồi sau đó mới đóng gói và xuất khẩu sang thị trường này. Điều này làm chi phí giá thành cao, đồng thời cũng khiến thời gian bảo quản phải kéo dài. "Bên cạnh đó thì thời gian thông quan khi xuất khẩu sang Mỹ cũng rất lâu. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với đó là hàng hoá nhiều gây ra tình trạng tắc container tại cảng. Năm nay, Ameii cũng dự kiến đưa quả vải thiều sang thị trường Mỹ và chắc chắn là sẽ sang được nhưng điều quan trọng là phải quảng bá để người tiêu dùng Mỹ nhận biết được quả vải thiều của Việt Nam", bà Ngô Thị Thu Hồng khẳng định. Là doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất nhập khẩu tại Mỹ, từ điểm cầu Houston (Texas), bà Jolie Nguyễn, đại diện Công ty Dịch vụ Lương Nguyễn cho biết, trong bảo quản trái cây, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu nhằm giữ được giá trị, chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. "Muốn vào thị trường Mỹ, sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, chứng nhận bên thứ 3 (SGS…). Vì vậy, doanh nghiệp phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường", nữ doanh nhân chia sẻ. Lạc quan về khả năng đi Mỹ của vải thiều Bắc Giang Ông Hà Kim Ngọc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước đã cam kết mạnh mẽ và thể hiện rõ quyết tâm làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước song nếu như không có sự hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp và người dân thì rất khó hiện thực hóa quyết tâm này. Theo ông, hội nghị này là khởi đầu tốt đẹp, mở ra cơ hội để đưa quả vải thiều sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để đưa vải thiều sang thị trường Mỹ thì tỉnh, các doanh nghiệp và người dân cần chạy đua với thời gian bởi từ nay đến vụ thu hoạch không còn dài. Ông Hà Kim Ngọc lưu ý, tháng 5 tới có sự kiện quan trọng trong mối quan hệ của ASEAN với Mỹ. Do đó, các cơ quan thương vụ, doanh nghiệp tại Mỹ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vải thiều tại Mỹ nhân sự kiện này. Qua đó tạo được dấu ấn, sự lan tỏa về hình ảnh, hương vị cũng như thương hiệu vải thiều Bắc Giang đến người dân Mỹ và cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bà Melissa Bishop tin tưởng vào khả năng giao thuơng giữa 2 nước trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bà Melissa Bishop cho rằng, hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang là cơ hội tuyệt vời cho các nhà nhập khẩu của Mỹ hiểu thêm về quả vải và xây dựng mối quan hệ kinh doanh bền chặt hơn. "Tôi hi vọng Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác hơn nữa để mở rộng thương mại song phương, tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các loại trái cây trong tương lai", Phó Đại sứ Melissa Bishop khẳng định. Năm 2021, thương mại nông sản song phương Việt Nam - Mỹ lần đầu tiên đạt 9 tỷ USD, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ cũng đạt kỷ lục đạt gần 5,2 tỷ USD. Một trong những điều tuyệt với nhất của thương mại nông sản là tạo cơ hội cho người tiêu dùng trên khắp thế giới nếm thử những món ăn ngon không có ở đất nước của họ. Người tiêu dùng tại Mỹ được thưởng thức những hoa quả nhiệt đới được trồng tại Việt Nam như: vải, xoài, thanh long, chôm chôm, táo, nhãn. Trong khi đó, Mỹ cũng có thể cung cấp táo, nho, anh đào, việt quất.. để người Việt Nam được thưởng thức những loại hoa quả rất tốt cho sức khoẻ và không hề dễ trồng tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp, đơn vị liên quan ký Biên bản hợp tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Mỹ. Ảnh: Tùng Đinh.Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh ý kiến phát biểu tại hội nghị ở các điểm cầu đều rất sâu sắc, cởi mở và cùng thể hiện quyết tâm, nguyện vọng đưa vải thiều đến với thị trường Mỹ. "Qua hội nghị, tỉnh cũng như các doanh nghiệp, người dân nhìn nhận rõ hơn những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức khi đưa trái vải đến với người dân, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục, tháo gỡ", ông Lê Ánh Dương chia sẻ. Theo ông Dương, hội nghị này mở ra cơ hội mới để vải thiều cũng như nông sản của tỉnh đến với thị trường Mỹ. Mặc dù còn nhiều rào cản song với sự quyết tâm của các bên, nhất là doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan chức năng hai nước, Bắc Giang tin rằng sẽ vượt qua các rào cản, đưa trái vải thiều đến với người dân Mỹ, tạo tiền đề đưa các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh đến thị trường này.

Tùng Đinh - Văn Việt - Quang Dũng

MÔ HÌNH PGP

bottom of page