Người trẻ bén duyên nông nghiệp xanh: Công ‘rau’ dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng
top of page

Người trẻ bén duyên nông nghiệp xanh: Công ‘rau’ dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng

Cách đây 13 năm, chàng trai 23 tuổi này đã khởi nghiệp bằng những vườn rau. Dù chẳng làm theo quy trình nào, nhưng rau của anh thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Đó là anh Nguyễn Văn Công, sinh năm 1986, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) TMDV rau an toàn Minh Hưng, Chơn Thành, Bình Phước. Công chưa từng đến giảng đường đại học, chỉ tham gia một vài lớp nghiệp vụ ngắn ngày về nông nghiệp công nghệ cao do TP.HCM tổ chức. Sau khi học, anh đã làm tư vấn kỹ thuật xây dựng các mô hình VietGAP cho hàng trăm nông dân, HTX nông nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước.

Thầy của nhiều nông dân

Trong số những nhân vật trong loạt bài này, duy nhất Công chưa có bằng đại học. Nhưng, từ cách nghĩ đến cách làm và những gì anh làm được, chẳng thua gì người có bằng cấp.

Năm 2009, Công 23 tuổi, anh một mình lặn lội từ Phú Thọ vào TP.HCM và dừng chân ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, thuê một mảnh đất 800m2, bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng rau.


Nguyễn Văn Công: "Mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng hơn VietGAP". Ảnh: Phúc Lập.

“Thời điểm ấy, khu vục này toàn vườn rau, nhưng bản thân em cũng nhưng người dân, chẳng mấy ai biết VietGAP là gì. Vì thế, người trồng rau cứ bón phân, xịt thuôc vô tội vạ. Em thì không. Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, cũng thường xuyên ra đồng làm phụ giúp bố mẹ, nên có chút hiểu biết về đất, về cây trồng, phân bón, sâu bọ. Em thấy đất chỗ mình thuê khá tốt, chỉ cần biết cách thì không cần dùng phân nhiều. Riêng thuốc trừ sâu thì tuyệt đối không dùng. Trong khi phần lớn người ta trồng rau xong mang hết ra chợ đầu mối bán sỉ thì rau của em làm ra tới đâu bán hết tới đó. Thời điểm năm 2009, 2010, em trồng 800m2 rau mà 1 năm kiếm 2 - 3 trăm triệu. Đó là số tiền rất lớn”, Công kể. "Lý do gì mà họ thích rau của em?”, tôi hỏi. “Họ ăn thấy ngon hơn, rau để được lâu hơn. Với lại, vườn rau của em nằm ngay cạnh đường đi, hàng ngày rất nhiều người qua lại, họ cũng thấy cách em làm không giống đa số. Nên rau chưa thu hoạch họ đã hỏi mua về ăn rồi”.

Cũng nhờ làm rau theo quy trình sạch mà năm 2010, Công là người duy nhất ở vùng trồng rau lớn của TP được tài trợ đi học lớp nghiệp vụ về làm rau an toàn. Đưa chiếc điếu cầy lên miệng rít sòng sọc, ngửa cổ nhả khói mù mịt, xong Công nói tiếp: “Nhờ đi học mà em được gặp, làm quen với mấy giảng viên toàn giáo sư, tiến sĩ, biết thêm nhiều thứ”.


Mô hình sử dụng 95% phân hữu cơ, chỉ 5% phân tổng hợp. Ảnh: Phúc Lập.

Việc canh tác đang thuận lợi thì đất thuê bị thu hồi để làm dự án. Lúc này, Công chưa tìm được đất mới để thuê canh tác, nên phải làm đủ thứ việc kiếm tiền. Rồi một lần, Công nhận được lời mời làm tư vấn kỹ thuật về xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương.

“Lúc nghe họ nói, em rất ngạc nhiên, sau đó hỏi lại mới biết, họ liên hệ với ông thầy dạy em trong lớp nghiệp vụ, rồi thầy giới thiệu và cho họ số của em. Thời gian đó, mỗi dự án tư vấn xong, họ trả công 15 - 20 triệu, đây là tiền dự án nhà nước hỗ trợ. Riêng ở huyện Bàu Bàng, em tư vấn gần chục HTX, còn hộ cá nhân thì nhiều, tư vấn cho cá nhân thì em không lấy tiền”, Công nhớ lại.

Nói về lý do lưu lạc lên Chơn Thành, Bình Phước, Công kể: “Hồi đó làm việc ở Bàu Bàng cũng lâu, thấy thân quen rồi, nên ban đầu định vay tiền mua đất làm nông nghiệp ở đó chứ. Nhưng suy đi tính lại, nếu mua ngay đó rồi cũng làm giống những người mình đã tư vấn, thì sợ mình “đè” họ, nên mới thôi. Sau đó, có mấy người em từng tư vấn, họ giới thiệu lên đây. Em vay của họ mỗi người trăm triệu, mua được 2 sào. Mảnh đất bằng phẳng, nhưng quá xấu, thoái hoá, bạc màu, không có cây gì sống được, chỉ có kiến sống”. “Vậy em cải tạo nó bằng cách nào?”. “Em mất khá nhiều thời gian, công sức để gây dựng sự sống cho nó bằng cách rải phân, tưới nước, trồng cỏ. Năm 2018 mới chính thức đầu tư nhà lưới, trồng rau ở đây”.


Phân được rải cách mặt đất khoảng 5cm, và chỉ bón 1 lần trước khi trồng cho đến khi thu hoạch. Ảnh: Phúc Lập.

“Nuôi” sinh vật đối kháng trong nhà màng

Mô hình rau của Công cũng như của các thành viên HTX không chỉ làm đúng quy trình VietGAP mà còn tốt hơn.

Công sử dụng vôi bột để xử lý đất, còn phân bón, 95% anh dùng phân chuồng ủ sinh học. nhưng không bón gốc trực tiếp, mà rải trước xuống dưới đất, sau đó rải thêm một lột lớp đất mỏng trên mặt luống, rồi mới trồng cây. 5% còn lại anh dùng phân tổng hợp, bón khi cây rau 5 ngày tuổi. Ngoài ra không bón thêm lần nào nữa.


Thạnh sùng là một trong số những sinh vật đối kháng để diệt sâu. Ảnh: Phúc Lập.

“Công dùng loại thuốc gì để trị sâu bệnh?”, tôi hỏi. “Em không dùng bất cứ loại thuốc hoá học nào, chỉ dùng chế phẩm sinh học ủ, gồm ớt, gừng, tỏi, vỏ cam, quýt, chanh, xả. Và một phương pháp khác nữa là dùng tinh dầu thảo mộc pha nước xịt lên rau. Những chế phẩm này nếu không giết được sâu thì cũng khiến chúng sợ mùi và bỏ đi. Ngoài ra, còn có tác dụng ngăn ngừa sinh sản đối với một số loại sâu. Riêng giải pháp dùng sinh vật đối kháng diệt sâu thì em làm từ lâu và cũng tư vấn cho nhiều người làm, rất hiệu quả”.

Theo chân Công ra nhà màng để tìm sinh vật đối kháng, tôi hỏi: “Sinh vật đối kháng của Công là những con gì? Có hiệu quả không?”, tôi hỏi. Công đáp: “Đó là nhện hoa, thạch sùng, rắn mối. Như em nói rồi, trị sâu bệnh nếu không dùng thuốc hoá học thì phải kết hợp nhiều giải pháp. Trong đó có sinh vật đối kháng. Mỗi thứ một chút”.




Trong nhà màng có rất nhiều nhện hoa, sát thủ của nhiều loại côn trùng gây hại cho rau. Ảnh: Phúc Lập

Vừa nói, Công vừa dẫn tôi lại cây cột ở góc nhà màng, sau đó vạch những phần màng lưới cuộn trong cột ra, quả nhiên khá nhiều thạch sùng đang “núp” bên trong, thấy động, chúng chạy tán loạn. “Giờ ban ngày, lại nóng quá nên nó trốn hết. Buổi tối ra soi đèn nhiều lắm”, Công cho biết.

Tiếp tục đi quanh nhà màng, lâu lâu Công lại chỉ cho tôi thấy một con nhện hoa đang nằm im lìm giữa bức màng tơ. “Con nhện này nó bắt tất cả các loại côn trùng, từ ong, bướm, nhiều con bọ cánh cứng to cỡ ngón út mà vướng vào bẫy của nó cũng không thoát”, Công nói tiếp.

“Nếu không dùng thuốc trừ sâu hoá học, thì để trị được sâu bệnh, cần kết hợp nhiều giải pháp. Các chế phẩm sinh học có tác dụng xua đuổi sâu bệnh là chính chứ không phải diệt. Nhưng vẫn có cách để hạn chế sâu phá hoại. Ví dụ trên cùng một khu, trồng cùng loại rau, nhưng các liếp trồng cách nhau vài ngày, khi phát hiện sâu bệnh, mình không phun xịt toàn bộ, chỉ xịt những liếp trồng sau. Sâu ở liếp phun thuốc ngửi thấy mùi, nó sẽ chạy sang mấy liếp không phun để đẻ. Nhưng chúng chưa kịp sinh sôi, phá hoại thì mình đã thu hoạch rồi. Chính vì thế mà lâu lâu người ta mua rau về thấy có sâu, hoặc nấu lên rồi mới thấy con sâu trong nồi. Ngoài ra, luân canh là một giải pháp quan trọng để phòng sâu bệnh chứ không phải là thuốc”.


Hành lá là loại cây khó trồng ở nơi có khí hậu nóng, Công là người trồng khá thành công. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những cây khó trồng ở khu vực này là hành lá. Bởi cây này chỉ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu lạnh, như miền Bắc thì dịp Tết, hoặc các tỉnh Tây Nguyên. Chính vì thế, tại khu vực Chơn Thành, hầu như không có nhà vườn nào trồng hành lá. Nhưng Công trồng được.

“Khí hậu nóng quanh năm như ở đây rất khó trồng, hành khó mọc, dễ bị chết, hoặc khi trưởng thành thường bị cháy, lụi lá, nhìn xấu. Còn đây anh thấy đấy, hành già rồi mà vẫn rất đẹp. Em có sẵn nhà màng, hệ thống tưới, nắm kỹ thuật, xử lý đất kỹ, giống thì mang từ ngoài Bắc vào. Hành ngoài Bắc trồng 50 ngày thu hoạch, còn ở đây lâu hơn, khoảng 2 tháng. Hành của em ngon hơn hành chợ, ngọt, thơm, cay nồng hơn, để được lâu hơn. Cho nên, hành em bán 30 - 35 ngàn đồng/kg, còn hành chợ chỉ 15 - 20 ngàn/kg”, Công nói.

Từ chỗ chỉ có 2 bàn tay trắng, phải vay mượn toàn bộ tiền mua đất, ngay cả chỗ ở cũng phải nhờ bạn bè giúp dựng tạm căn nhà lá, nay đất của vợ chồng Công từ 2 sào đã “đẻ” thêm 6 sào. Công cho biết, bây giờ anh đủ khả năng xây nhà dưới 1 tỷ đồng.

Nguồn : Báo Nông Nghiệp

MÔ HÌNH PGP

bottom of page