Mô hình sạ lúa theo cụm lồng ghép mô hình canh tác lúa thông minh
top of page

Mô hình sạ lúa theo cụm lồng ghép mô hình canh tác lúa thông minh

Sạ cụm bằng máy tiết kiệm giống. Phương thức sạ cụm sẽ phát huy ưu thế hơn nữa nếu biết kết hợp với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khác.


Nông dân tham quan mô hình sạ lúa theo cụm kết hợp các kỹ thuật canh tác lúa đồng bộ khác tại xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, sáng 22/3/2022. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Phương thức sạ lúa theo cụm giúp giảm được lượng hạt giống lúa sử dụng, giảm được nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời gia tăng năng suất lúa, gia tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa ở nhiều điều kiện thâm canh khác nhau, trên nhiều nền phân bón khác nhau. Đồng thời, phương thức sạ cụm sẽ phát huy ưu thế hơn nữa nếu biết kết hợp với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khác, ở đây là phương pháp sạ cụm trên nền phân bón chuyên dùng của Bình Điền. Vụ đông xuân 2021 – 2022, Trung tâm Khuyến nông An Giang đồng loạt triển khai mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại 3 địa phương: Xã Tân An – TX Tân Châu, xã Vĩnh Hanh – huyện Châu Thành và xã Ô Long Vĩ – huyện Châu Phú. Điểm mô hình tại xã Ô Long Vĩ – huyện Châu Phú được lồng ghép với mô hình sạ lúa theo cụm, là phương pháp gieo sạ mới, đã thành công tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL.

Sạ cụm bằng máy tại xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, An Giang ngày 22/12/2021. Lượng giống gieo sạ 60kg/ha. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Mô hình gồm 4 hộ, mỗi hộ dành diện tích 0,5 ha (trong mô hình) bón phân chuyên dụng của Bình Điền (Đầu trâu phèn mặn, Đầu trâu TE A1 và Đầu trâu TE A2); phần diện tích còn lại của thửa ruộng (ngoài mô hình) bón phân tự do trên thị trường theo tập quán của địa phương. Phương thức sạ: Gồm 1 hộ sạ cụm trên diện tích cả trong và ngoài mô hình (60 ký giống/ha) và 3 hộ còn lại sạ lan (80 ký giống/ha trên diện tích trong mô hình và 110 ký giống/ha trên diện tích ngoài mô hình). Ở đây cái khác của phương pháp sạ cụm so với phương pháp sạ lan phổ biến hiện nay là hạt giống sau khi ngâm ủ được dùng máy sạ cụm nhập khẩu từ Hàn Quốc gieo sạ theo cụm, theo hàng như ruộng cấy, nghĩa là có thể điều chỉnh được cự li giữa các hàng, cự li giữa các cụm và số hạt giống ở mỗi cụm theo yêu cầu của mùa vụ canh tác, thời gian sinh trưởng của giống lúa, độ phì nhiêu của đất đai và trình độ thâm canh của người nông dân… Đồng thời, cái khác cơ bản nữa của phương pháp sạ cụm là chỉ sử dụng lượng giống tối thiểu, từ 40 – 60 ký/ha so với phương pháp sạ lan sử dụng phổ biến 120 – 150 ký/ha, nghĩa là giảm 60 – 70% lượng hạt giống theo tập quán. Kết quả triển khai mô hình cho thấy: Điều ghi nhận đầu tiên là, trên nền phân bón tự do hiện có trên thị trường và bón phân theo tập quán của địa phương thì mô hình sạ cụm cho năng suất 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,7 tấn/ha so với năng suất của mô hình sạ lan chỉ đạt 6,5 tấn/ha (tăng 11% về năng suất lúa). Qua đó, mô hình sạ cụm cho lợi nhuận 19,4 triệu đồng/ha, cao hơn 2,4 triệu đồng/ha so với lợi nhuận của mô hình sạ lan cùng bón phân tự do hiện có trên thị trường chỉ đạt 17 triệu đồng/ha (tăng 14% về hiệu quả kinh tế).


Lúa sạ lan truyền thống ngoài mô hình bị đổ ngã hoàn toàn. Ảnh: Ngô Văn Đây.




Sạ cụm bằng máy, lúa sạ thưa không đổ ngã, chắc bông, sáng hạt. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Điều ghi nhận thứ hai là, trên nền phân bón chuyên dùng của Bình Điền mô hình sạ cụm cũng cho năng suất cao, đạt 7,7 tấn/ha, cao hơn 1,0 tấn/ha so với năng suất của mô hình sạ lan chỉ đạt 6,7 tấn/ha (tăng 14,9% về năng suất lúa). Qua đó, mô hình sạ cụm cũng cho lợi nhuận cao, đạt 23,4 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 triệu đồng/ha so với lợi nhuận của mô hình sạ lan cùng bón phân Bình Điền, chỉ đạt 18,8 triệu đồng/ha (tăng 24,5% về hiệu quả kinh tế). Thêm nữa, mặc dù ruộng sạ cụm cho năng suất cao hơn so với ruộng sạ lan cả trong mô hình (7,7 tấn/ha so với 6,7 tấn/ha) và ngoài mô hình (7,2 tấn/ha so với 6,5 tấn/ha), nhưng đều trên nền phân bón tiết kiệm, thấp hơn so với ruộng sạ lan (72N - 46P2O5 - 39K2O so với 83N - 47P2O5 - 48K2O trong mô hình và 89N - 32P2O5 - 64K2O so với 102N - 44P2O5 - 56K2O ngoài mô hình). Điều này cho thấy ruộng sạ cụm không những giúp giảm thiểu lượng hạt giống sử dụng mà qua đó, nhờ giảm lượng hạt giống sử dụng còn giúp giảm được nhu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Như vậy, có thể thấy rằng, phương thức sạ cụm đã giúp giảm được lượng hạt giống lúa sử dụng, giảm được nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời gia tăng năng suất lúa, gia tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa ở nhiều điều kiện thâm canh khác nhau, trên nhiều nền phân bón khác nhau. Đồng thời, phương thức sạ cụm sẽ phát huy ưu thế hơn nữa nếu biết kết hợp với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khác, ở đây là phương pháp sạ cụm trên nền phân bón chuyên dùng của Bình Điền. Ngô Văn Đây

Nguồn: báo nông nghiệp

MÔ HÌNH PGP

bottom of page