Bình Thuận: Hiệu quả thiết thực mô hình Canh tác lúa thân thiện với môi trường
top of page

Bình Thuận: Hiệu quả thiết thực mô hình Canh tác lúa thân thiện với môi trường

Canh tác lúa thân thiện môi trường là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới; áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả sản xuất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ môi trường sinh thái; hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.


Vừa qua, Ban Quản lý dự án lúa Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận xây dựng 04 mô hình thí điểm về “Canh tác lúa thân thiện với môi trường áp dụng kỹ thuật tưới nước ướt - khô xen kẽ (nông lộ phơi)” cho nông dân 4 xã thuộc 2 huyện huyện Bắc Bình (Hải Ninh và Hồng Thái) và Tuy Phong (Phú Lạc và Liên Hương) tỉnh Bình Thuận.



Thực hành đặt ông tưới nước ướt - khô xen kẽ tại xã Hồng Thái, Bắc Bình

Được biết, người nông dân tham gia dự án sẽ được tập huấn tổng quan về canh tác thân thiện với môi trường; thời gian tiếp theo sẽ được tập huấn chuyên sâu theo chuyên đề kèm theo mô hình thí điểm, như điều tiết nước ướt khô xen kẽ; bón phân cân đối sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đạm hợp lý; cách sử dụng rơm rạ…

Theo đó, nông dân 4 xã được tập huấn tổng quan về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường như sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học hoặc thảo mộc; giảm phân hóa học và tăng cường sử dụng phân hữu cơ; giảm lượng giống gieo sạ…; quản lý hiệu quả các phế phẩm như bao bì, chai lọ chứa thuốc BVTV được bỏ vào thùng chứa rác theo quy định và thí điểm đầu tiên là mô hình về kỹ thuật tưới nước ướt - khô xen kẽ; lớp được tập huấn chuyên sâu, giúp nông dân nắm được “chìa khóa” quản lý nước tưới suốt vụ sản xuất theo nguyên tắc chung là: cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước, mà chỉ cần nhiều nước trong giai đoạn lúa non (để ém cỏ), và trong giai đoạn trổ (để lúa kết hạt tốt). Các giai đoạn khác, nông dân áp dụng biện pháp tưới ướt - khô xen kẽ là được. Trong bất kỳ giai đoạn canh tác nào, lớp nước ngập tối đa 5 cm tùy theo chân ruộng và thời kỳ nhất định để lúa sinh trưởng phát triển một cách tốt nhất”



Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Phú Lạc – Tuy Phong

Trong cuối tháng 3/2022 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội thảo đầu bờ tại các ruộng thí điểm mô hình; kết quả năng suất lúa bình quân dao động từ 68-70 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 7-10%; điều đáng chú ý, mô hình có sử dụng phân bón lá Plantagreenpower nhập khẩu Đức, do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức cung ứng, đây là loại phân bón thân thiện với môi trường để giảm lượng bón phân đạm từ 20-25% theo quy trình (200-220 kg ure/ha) và làm tăng số hạt chắc/bông trên 15%, góp phần làm tăng năng suất chung của mô hình; qua đó giúp nông dân làm quen dần việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón sản xuất từ công nghệ nano; giảm lượng giống gieo sạ từ 25- 30% so với truyền thống từ 250-300 kg/ha; đặc biệt, ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất lúa hạn chế chồi vô hiệu; hạn chế lá ủ ở giai đoạn sau, cây lúa được thông thoáng, ít bị sâu bệnh gây hại; giúp cây lúa phát triển tốt bộ rễ, tránh đổ ngã ở giai đoạn sau; tiêu chất độc do môi trường yếm khí do đất bị ngập nước lâu ngày sinh ra; giảm chi phí bơm nước và nguồn nước tưới, nhất là vụ đông xuân tại Bình Thuận thường thiếu nước vào cuối vụ;... từ đó, gia tăng lợi nhuận; hướng đến nền sản xuất lúa thân thiện với môi trường; thích ứng với tốt với biến đổi khí hậu đang diễn ra khắc nghiệt trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, việc áp dụng tưới nước ướt khô xen kẽ tại mô hình còn những hạn chế như khi rút nước thì bị thủy nông đóng cửa hoặc có điểm mô hình hệ thống kênh mương chưa đảm bảo hay ruộng thấp nên việc điều tiết nước còn những khó khăn nhất định.



Thùng chứa các vật liệu phế thải

Kết thúc hội thảo trong niềm vui hân hoan của bà con với kết quả đạt được từ mô hình là rất hữu ích, khả năng áp dụng mô hình vào thực tế sản xuất rất khả quan; và bà con đề nghị nhà nước cần quy hoạch vùng, hoàn chỉnh kênh mương đồng tốt hơn, nhất là công tác thủy lợi phải đồng nhất và đồng bộ để áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ một cách hiệu quả nhất.

Hồ Công Bình


MÔ HÌNH PGP

bottom of page